Lý Tình Quán Dịch

811
THIET KE MAU 2015

Mấy hôm nay, đến sinh hoạt tại Quán Dịch, nghe Thầy báo tin Thầy đã hoàn tất tập 3 bộ Kinh Dịch Xưa và Nay.

Điểm lại suốt hơn 30 năm qua, Thầy chúng ta đã ngụp lặn trên đường Văn Lý Học cho sự nghiệp xiển dương Dịch Lý Việt Nam. Tôi vẫn thấy thấp thoáng đâu đó một hình ảnh mà chắc có lẽ mọi người đều nhận ra được. Một người phụ nữ bao phen trợ trưởng với Thầy, cùng sẻ chia ngọt bùi, với bao trăn trở trong đời một cao đồ xuất sắc của Dịch Lý Việt Nam.
Nói như vậy, chúng ta hẳn biết, vâng đó là Cô, người vợ hiền của Thầy Nam Thanh, người mẹ hiền của anh chị em học viên khi đến Quán Dịch. Cô, người đã chăm sóc cho Thầy thật chu đáo, từ ly nước thấm giọng lúc giảng bài đến việc chăm lo đủ đầy ba chú Dịch con của mình, tạo điều kiện phần nào để Thầy tạm quên nóng lạnh cuộc đời mà gìn giữ và phát triển Giọt máu của Dịch Lý Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ như in, vào những buổi tối năm nào, ngoài trời mưa rả rích, trong Quán Thầy đang say sưa giảng truyền đạo học cho anh chị em, còn Cô ngồi co ro mép cửa nhà trông chừng xe cho anh chị em yên tâm học tập suốt hơn hai tiếng đồng hồ, hết năm này qua tháng khác như vậy. Chỉ đến năm nay tuổi cao sức yếu, Cô mới không còn ngồi coi xe được nữa.
Nay biết bao người ra đường đời vạn nẻo thành bại, thử hỏi mấy ai khi nhớ về Quán Dịch để tri ân người khai sáng trí tri Lẽ Biến Hóa cho ta, mà lại không nhớ đến hình ảnh một người luôn nhẫn nại, bao năm phò tá Thầy qua mỗi khóa học.

Khi Thầy tiếp anh chị em khuya hơn giờ học, Cô vẫn ân cần đồng hành với Thầy, với anh chị em cho đến khi Quán Dịch không còn khách nữa, Cô một mình dọn dẹp lau nhà rửa chén đâu đó tươm tất rồi mới được nghỉ.

Tôi vẫn còn nhớ khi Thầy giảng đến phần Cận thủ chư thân, Viễn thủ chư vật, hay bài Chim câu đưa tin, Thầy có nhắc nhớ về Cô rằng: “Anh chị em còn tài liệu học đến bây giờ là nhờ Cô đó”.

Khi Thầy mắc phải trả nợ lần khân của thời loạn ly đành xa cách tất cả (1975), với hình ảnh thân cò lặn lội bờ sông, Cô phải hồi hương, bụng mang Thiên Hương, tay bồng Chấn Thanh, tay xách giỏ đồ nặng trĩu hành trang tư liệu Dịch Lý VN của Thầy mà đi đến đâu Cô cũng đem theo bên mình để khi Thầy về còn có mà dùng.

Công đức, nghĩa ân của Thầy Cô trọn vẹn lý tình xướng hoạ theo bốn đức lớn của Kiền Khôn là Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh và Nhu, Thuận, Lợi, Trinh. Vai trò của Cô là Âm ẩn, đúng là nội tướng góp phần quan trọng thành quả nghiệp Dịch của Thầy với bộ Kinh Dịch Xưa và Nay có một không hai để lại cho đời và với những con người đạt lý Dịch Biến đi khắp thế gian cho muôn đời sau. Thầy Cô thật xứng đôi “Thanh Nam Hiệp Nữ ” vậy.
Chắc không chỉ riêng tôi mà các bạn đã từng một thời đến với Quán Dịch cũng đều nhận thấy và tỏ lòng tri ân Trời Đất đã đưa đẩy cho Dịch Lý VN được một Hiệp Nữ tuyệt vời, một Sư Mẫu hiền hậu đảm đang.

Thật vậy, mỗi lần về Sơn Môn Tổ Quán, tôi cảm thấy lòng mình ấm áp an tĩnh lạ thường như đứa con được trìu mến trong vòng tay dịu hiền của mẹ. Quán Dịch Nam Thanh không phải là một ngôi nhà thờ, cũng chẳng phải là một ngôi chùa hay am cốc để tu gì cả, mà lạ thay khi về với Quán, mọi vật dụng trong Quán, từ bức tường, chiếc đinh giăng võng đến bảng viết giẻ lau, hay chú cá tai tượng trong hồ kính đều là những minh chứng cho sự đắc đạo Dịch Biến. Tất cả làm bừng sáng trong tâm khảm tôi cái lý lẽ Tại sao của mọi cái Tại sao.

Tôi cũng cảm nhận được tình ý sống động khi mỗi thứ trong Quán Dịch lại trở nên tình lý tự tư liên hệ trong những bài kiểm soát chiêm nghiệm của lớp hay trong sinh hoạt của Quán.
Đôi dòng cảm xúc trào dâng, mới hay rằng: Tổ Quán Dịch Y Đạo Nam Thanh thật trọn lý vẹn tình vậy.

Viết xong giờ Tỷ – Tụy
Việt Thanh PHẠM VĂN LONG