Lời Nói Đầu Sách Chích Lể Việt Nam Toàn Khoa

1141

 

Trong suốt thời gian tham gia chiến đấu trong đội ngũ cách mạng, tôi có dịp đi qua nhiều nơi trên đất nước. Qua các vùng thôn quê, gặp nhiều trường hợp ốm đau, thuốc men không có, điều kiện chữa trị cũng thiếu thốn, người dân đã tận dụng các phương pháp chữa trị cổ truyền, trong đó có môn chích lể. Tiếp thu được từ các thực tiễn đó, chúng tôi đã lưu tâm nghiên cứu, thực hiện phương pháp chích lể này.

Và qua hơn 50 năm gắn bó với PPCL chúng tôi nhận thấy PPCL:
– Là một di sản quý báu đã và đang lưu truyền sâu đậm trong dân gian.
– Góp phần không nhỏ trong việc điều trị bệnh tật cho người dân cả thành thị lẫn nông thôn.
Do đó chúng tôi mong ước PPCL này cần được thừa kế và phát huy. Tuy nhiên hiện nay ở độ tuổi 80, tuy tinh thần còn hăng say nhưng tuổi già ngày càng héo dần theo thời gian, có muốn cũng khó có điều kiện thực hiện, vì vậy được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp và môn sinh sau quyển “ Chích Lể Rất Hay Dễ Học Dễ Làm “ 1983, chúng tôi mạnh dạn viết quyển “ Chích Lể Thực Hành “ này.

Tựa đề sách mang nghĩa thực hành, vì vậy chúng tôi sẽ đi sâu vào lĩnh vực thực hiện.
* Kỹ thuật Chích Lể.
* Chích Lể chữa bệnh.
Với kinh nghiệm và tâm đắc tích lũy được trong hơn 50 năm gắn bó với môn chích lể này, chúng tôi sẽ cố gắng ghi chép tĩ mĩ từng kỹ thuật và các bệnh án với đầy đủ chi tiết để người đọc dễ tiếp thu và thực hiện.
Từ trước đến nay, sách vở nghiên cứu về chích lể còn quá ít vì vậy lý thuyết và cơ chế của môn này còn nhiều bổ sung, cần được nghiên cứu và hoàn chỉnh dần.

Phương pháp chích lể vì bắt nguồn và phổ biến sâu rộng trong dân gian, vì thế khi biên soạn, chúng tôi cố gắng sử dụng những ngôn từ đã và đang được đa số bà con nhân dân thường dùng, chỉ trừ một số thuật ngữ hoặc bệnh danh chuyên môn (nhất là phần thực hành trị liệu), chúng tôi sẽ để thêm vào trong ngoặc để mọi người đều có thể tiếp thu được.
Vì tài liệu nghiên cứu và sức hiểu biết còn giới hạn, chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý bạn đồng nghiệp, quý vị cao minh và quý đọc giả … để bổ sung cho phương pháp chích lể của dân tộc Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 5 năm 1993.
Lương Y NGUYỄN OẮNG