Môn chích lể đã có từ lâu đời, nhưng trong các sách tài liệu ghi chép rất ít. Các sách cổ của Trung Quốc (Nội Kinh Tố Vấn, Linh Khu) chỉ đề cập sơ sài về cắt lể (như một phần của châm cứu biến dạng).
Mãi đến thời nhà Tống (960-1276) mới có sách Dưỡng Sinh Cảnh của Lục Nhạo Sơn mô tả thủ thuật (chích lể) cũng như nêu ra một số chỉ định và chống chỉ định của phương pháp này.
Sau này, từ đầu những năm 1970 trở đi, các sách giáo khoa về châm cứu của Trung Quốc có dành hẳn một chương nói về Khiêu Trị Liệu Pháp (cắt lể). Tuy nhiên, phương pháp này về nội dung và hình thức rất khác với phương pháp chích lể của Việt Nam (mà chúng tôi đã và đang triển khai).
Gần đây Nhà Xuất Bản Y Học Hà Nội năm1999 phát hành sách dịch :“GIÁC HƠI TRỊ BỆNH THƯỜNG GẶP (Liệu Pháp Giác Chữa Các Bệnh Thông Thường) của tác giả LƯU CƯỜNG Trung Quốc” có dùng kim và giác máu khác với phương pháp vỗ gió, cắt giác máu độc đáo của Thầy Ba Tôn (NGUYỄN VĂN HIỀN) nổi tiếng vào những thập niên 60,70, 80 ở Sài Gòn.
Tại Việt Nam, môn chích lể có từ lúc nào? Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu về vấn đề này. Vì vậy, nếu theo sách Lĩnh Nam Chích Quái thì có thể chích lể đã có từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, với nhà châm cứu Thôi Vỹ (thời An Dương Vương).
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận rằng : Chích lể là của nhân dân sáng tạo ra, gắn bó với dòng lịch sử. Sau đó, hình như chích lể chỉ còn được truyền khẩu trong dân gian Việt Nam, nhất là vào thời Pháp thuộc (thế kỷ 19 đến gần giữa thế kỷ 20), các phương pháp trị liệu bằng y học dân tộc càng bị cấm đoán nhiều hơn.
Tại Miền Nam, có khá nhiều thầy thuốc đã sử dụng chích lể chữa bệnh có hiệu quả cao như trước thập kỷ 70 có hai trường phái nổi tiếng một thời ở vùng Sài Gòn là phương pháp Cạo Gió, Bấm Huyệt, Cắt Lể của Thầy Ba Cầu Bông Tăng Văn Mùi và phương pháp vỗ gió, cắt giác máu của Thầy Ba Tôn Nguyễn Văn Hiền…
Tác giả Thượng Trúc trong quyển Cấp Cứu Trị Bịnh Phổ Thông in năm 1969, đã dành 49 trang giới thiệu chi tiết phương pháp cắt lể.
Tại Miền Bắc, mãi đến ngày 25-02-1973, được sự hỗ trợ của Nhà Nước và các cấp lãnh đạo ngành Y Tế, Lương Y Nguyễn Oắng đã mở lớp huấn luyện 6 tháng về chích lể đầu tiên cho một số Bác sĩ và Lương y tại tỉnh Hoà Bình.
Ngày 25-8-1973, Hội Nghị Khoa Học về Chích Lể đầu tiên đã diễn ra ở khu nhà tập thể của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung Ương ở Thủ Đô Hà Nội để tổng kết, xây dựng lý luận cơ bản đầu tiên cho ngành chích lể với sự tham dự của Bộ Trưởng Bộ Y Tế và các cấp lãnh đạo ngành Y Tế và Y Học Dân Tộc Trung Ương và Hà Nội.
Trên bước đường công tác từ Nam chí Bắc rồi từ Bắc chí Nam, đến đâu Lương y Nguyền Oắng cũng triển khai và phổ biến rộng rãi Phương Pháp Chích Lể này.
Đến năm 1983, Lương Y Nguyễn Oắng triển khai và thực hiện nghiên cứu thí điểm qui mô phương pháp chích lể tại Bệnh Viện Y Học Dân Tộc Thành Phố Hồ Chí Minh, ở các vùng lân cận và đã phổ biến sách “Chích Lể rất hay, dễ học dễ làm” vào năm 1983, do Bác sĩ Trương Thìn biên tập.
Ngày 25-02-1985, Hội Nghị Khoa Học vể Chích Lể đầu tiên ở Miền Nam được tổ chức qui mô với sự tham dự của các cấp lãnh đạo ngành Y Tế và Y Học Dân Tộc : có hơn 160 anh chị em cán bộ môn chích lể tham dự.
Trong Hội nghị nầy, lần đầu tiên tổ chức và thành lập được Chi Hội Chích Lể Thành Phố Hồ Chí Minh do Lương Y Nguyễn Oắng làm chủ tịch, Lương Y Nguyễn Văn Hiền (Thầy Ba Tôn) làm phó chủ tịch, Lương Y Trần Quang Lâm (môn đệ Thầy Ba Cầu Bông) làm phó chủ tịch, Lương Y Phan Quốc Sử làm Ủy viên Huấn Luyện. Đây cũng là tổ chức chích lể đầu tiên của cả nước Việt nam được phép hoạt động chính thức toàn quốc.
Năm 1989, Trung Tâm Y Học Dân Tộc Thành Phố Biên Hoà xuất bản sách “Cạo gió, bấm huyệt và cắt lể” của Lương Y Trần Quang Lâm và Lương Y Phan Anh Tuấn giới thiệu phương pháp chích lể Thầy Ba Cầu Bông.
Ngày 18-11-1989, Bộ Y Tế qua công văn số 6503/TH cho phép mở các lớp bồi dưỡng phương pháp chích lể cho ngành y tế và y học dân tộc. Tính đến năm 1992, Chi Hội Chích lể đã mở được 92 khoá học với 5.398 học viên từ Bắc chí Nam tham dự. Và hiện nay, môn chích lể hầu như được phổ biến và thực hiện trên toàn lãnh thổ nước Việt nam, góp phần không nhỏ trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu và phục vụ sức khoẻ cho nhân dân.
Vì tuổi cao sức yếu các cụ lão y trong Chi Hội Chích Lể TPHCM lần lượt qua đời, nên phải đề cử bổ sung các lương y trẻ thay thế. Năm 1990, Lương y Phan Quốc Sử được cử phó chủ tịch BCH Chi Hội TPHCM. Đêm 30 tháng Chạp, Thầy Năm Oắng đã vĩnh viễn ra đi trong khi nhà nhà đang chuẩn bị đón giao thừa mừng năm mới Kỷ Mão (1999). Chức vụ chủ tịch của Lương Y Nguyễn Oắng còn để trống…
Tạm thời Lương y Phan Quốc Sử phó chủ tịch nối tiếp đường hướng của Chi Hội Chích Lể vừa trị bịnh giúp bịnh nhân nghèo vừa mở lớp truyền bá môn chích lể tới khoá 214/2006 và biên tập tổng hợp bổ sung thành 2 Tài liệu bản môn: “ Giáo Trình Thực Hành Chích Lể Toàn Khoa” nầy và “ Tư Liệu Tham Khảo Ngành Chích Lể Việt Nam”.